Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, chủ trương sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp được tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo thực hiện từ nhiều năm nay. Một số công trình, dự án đã và đang được hoàn thành khi tận dụng nguồn vật liệu sẵn có trong quá trình sản xuất than này đã tạo ra hiệu quả kép trong việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Khu đô thị - du lịch, dịch vụ Bái Tử Long II tại phường Cẩm Trung, thành phố Cẩm Phả có tổng diện tích trên 482 nghìn m2. Để thực hiện dự án này phải cần đến khoảng 3,5 triệu m3 đất đá. Tuy nhiên, nếu như không tận dụng nguồn đất đá thải tại các bãi thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng thay thế cho đất đắp thông thường thì phải khai thác nhiều quả đồi mới được một khu đô thị như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Vũ Bách, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư phát triển Công nghiệp TTP (Tập đoàn TTP), khi triển khai dự án trên địa bàn Cẩm Phả, việc tìm nguồn vật liệu san lấp rất khó vì vướng vào các quy hoạch của thành phố và ngành than. Nắm bắt được chủ trương của tỉnh trong việc tận dụng nguồn đất, đá thải mỏ để san lấp mặt bằng công trình xây dựng, Tập đoàn TTP đã đề nghị nghiên cứu nguồn đất đấ thải ở bãi thải mỏ Tây Khe Sim, mỏ Tây Lộ Trí để làm vật liệu san lấp mặt bằng. Đề xuất này được Bộ Tài Nguyên Môi Trường đồng ý và phê duyệt phương án để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn. Chủ trương này đã tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn để triển khai dự án đảm bảo tiến độ, kế hoạch đã cam kết sẽ xây dựng một đô thị đẳng cấp, xanh - sạch - đẹp theo đúng đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt.

Việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp không chỉ hạn chế tối đa việc khai thác đất đồi ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên mà còn giảm áp lực về bãi thải mỏ và bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất than. Đồng thời nguồn đất đá thải tưởng chừng như bỏ đi và phải sử dụng nhiều kinh phí để hoàn nguyên thì khi tận dụng cho các dự án còn tạo thêm nguồn ngân sách nhà nước. Như tại dự án này, chỉ tính riêng tiền cấp quyền khai thác đất đá thải mỏ đã đóng góp vào cho ngân sách nhà nước trên 6,6 tỷ đồng. Việc sử dụng nguồn đất đá thải mỏ cũng được giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả cho biết: Mặc dù đất đá thải mỏ là sản phẩm của quá trình khai thác than nhưng việc thẩm định phê duyệt sự dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp được làm chặt chẽ như việc cấp quyền khai thác khoáng sản. Các quy định về khoáng sản đều được thực hiện nghiêm, ngoài phải thực hiện nghĩa vụ về quyền khai thác khoáng sản, các đơn vị còn phải đóng các loại thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và các quy định khác theo luật Khoáng sản. Đặc biệt, đối với thực hiện dự án này, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Cẩm Phả và các đơn vị chức năng vẫn định kỳ thường xuyên kiểm tra, giám sát thông qua nhiều hình thức đột xuất, kiểm tra đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Cho đến nay, việc tổ chức triển khai của các chủ đầu tư nói chung và dự án mà Tập đoàn TTP đang sử dụng đất đá thải mỏ nói riêng cơ bản đều chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường theo đúng đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Việc tận dụng được nguồn đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp đã góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án, tạo điểm nhấn, mở rộng không gian phát triển đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của thành phố Cẩm Phả trong vài năm gần đây.

Ông Nguyễn Văn Xòe, khu 6A, phường Cẩm Trung, thành phố Cẩm Phả cho biết: Trước đây, khu vực tôi đang đứng đây là đầm lầy, không phải bãi biển hay đường sá. Hai năm gần đây thì tôi thấy nơi đây đã thay đổi thực sự. Người già có chỗ đi dạo thể dục, đạp xe; người lớn, trẻ em có bãi biển để vui chơi; khách du lịch các nơi đến có chỗ dừng chân lại ngắm nhìn Vịnh Bái Tử Long. Vì thế mà người dân Cẩm Phả như chúng tôi cảm thấy tự hào vì giờ đây Cẩm Phả được biết đến nhiều hơn, phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là chất lượng cuộc sống cải thiện hơn nhờ dự án được xây dựng.

Còn việc khu đô thị sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng khu đô thị, ông Xòe bày tỏ quan điểm rằng đây là chủ trương rất tốt vì có thể cắt bớt độ cao của các bãi thải mỏ, tránh việc sạt lở đất đá thải xuống khu dân cư và hệ thống suối thoát nước dưới hạ lưu mỗi khi mùa mưa bão tới, tránh tình trạng bụi bặm mỗi khi gió mùa về. Đặc biệt là đất đá thải mỏ rất phù hợp với việc san lấp mặt bằng, vì nhiều khu đô thị trên địa bàn tỉnh đã sử dụng đất đá thải của mỏ làm vật liệu san lấp đến nay, qua quan sát của người dân đều rất tốt. Các công trình xây dựng đến nay đều ổn định và không có ảnh hưởng gì tới môi trường xung quanh.

Trên cơ sở hiệu quả kép khi tận dụng nguồn đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp, Nghị quyết số 10 ngày 26/9/2022 của Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã đặt ra yêu cầu phải có lộ trình chấm dứt khai thác đất, đá đồi tự nhiên làm vật liệu san lấp mặt bằng tại các địa bàn Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn; tập trung sử dụng đất, đá thải mỏ, tro, xỉ thải từ các nhà máy nhiệt điện làm vật liệu san lấp mặt bằng nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Chủ trương này sẽ góp phần quan trọng để tháo gỡ khó khăn trong việc thiếu nguồn đất đắp, san lấp nhiều dự án trọng điểm của tỉnh trong thời gian tới.

Theo Baoquangninh.com: https://baoquangninh.com.vn/hieu-qua-kep-trong-viec-su-dung-dat-da-thai-mo-lam-vat-lieu-san-lap-3215753.html